Theo khảo sát, hoạt động sản xuất của nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đã tăng trở lại trong tháng Tám, thúc đẩy các thương gia tăng dự trữ để chuẩn bị cho triển vọng nhu cầu tăng.
Mở đầu phiên giao dịch tuần này, giá dầu châu Á tăng, nhờ tâm lý thị trường được thúc đẩy bởi các dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc và Mỹ, cũng như kỳ vọng về việc các nhà sản xuất lớn sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác dầu.
Trong sáng 4/9, giá dầu thô Brent Biển Bắc đã tăng 17 xu Mỹ, tương đương 0,2%, lên 88,72 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 25 xu Mỹ, tương đương 0,3%, lên 85,80 USD/thùng.
Vào tuần trước, cả hai loại dầu này đều đạt mức tăng giá cao nhất trong hơn nửa năm qua, phá vỡ chuỗi giảm giá kéo dài trong hai tuần trước đó, thể hiện một xu hướng tăng giá bền vững có thể xảy ra trong thời gian tới.
Dữ liệu khảo sát Chỉ số Quản lý Mua hàng (PMI) Caixin của Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất của nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đã tăng trở lại trong tháng Tám, thúc đẩy các thương gia tăng dự trữ để chuẩn bị cho triển vọng nhu cầu tăng.
Gần đây Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, như cắt giảm lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng quốc doanh lớn nhất nước và nới lỏng các quy định cho vay đối với người mua nhà. Tuy nhiên, các nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi những động thái hỗ trợ đáng kể hơn nữa dành cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc, vốn là một trong những lực cản chính đối với nền kinh tế nước này sau đại dịch COVID-19.
Tại Mỹ, dữ liệu việc làm công bố ngày 1/9 cho thấy số việc làm của lĩnh vực phi nông nghiệp tăng cao hơn dự kiến, đạt 187.000 việc làm trong tháng Tám. Tốc độ tăng trưởng việc làm của cường quốc lớn nhất thế giới đang chậm lại, khiến niềm tin về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ dừng tăng lãi suất ngày càng lớn hơn.
Trong khi đó, Nga đã đồng ý với các đối tác trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) về mức cắt giảm sản lượng dầu khai thác trong những tháng tới, thúc đẩy kỳ vọng nguồn cung dầu thắt chặt. Thông báo chính thức, bao gồm chi tiết về kế hoạch cắt giảm dự kiến, sẽ được đưa ra trong tuần này.
Theo nguồn tin từ các thị trường, Chính phủ Nga sẽ cắt giảm xuất khẩu 300.000 thùng/ngày trong tháng Chín, giảm 200.000 thùng so với mức cắt giảm trong tháng Tám. Tương tự, Saudi Arabia cũng dự kiến sẽ cắt giảm tự nguyện sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày vào tháng 10./.